Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông
Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông ở Si Ma Cai, được tổ chức vào đầu xuân năm mới. Địa điểm tổ chức lễ hội là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng, quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và có quy mô cộng đồng gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông nơi đây. Qua lễ hội cũng là dịp để tạ ơn thần linh đã ban phúc, ban lộc cho mọi nhà.
Bên cạnh đó, theo tập quán, lễ hội Gầu Tào được tổ chức là dịp để các gia đình không có con, ít con, hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt… khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ sẽ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn.
Theo truyền thống, lễ hội được tổ chức với hai nội dung chính là phần lễ và phần hội, phần lễ được thực hiện theo đúng các nghi lễ truyền thống; phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao làm cho không khí ngày hội thêm sôi động.