Mô hình trồng mận Tả Van

Mận Tả van Si Ma Cai (Lào Cai) là một trong nhiều giống mận địa phương được người Mông trồng từ lâu đời nay để phục vụ nhu cầu sử dụng. Nó rất kén chỗ trồng, chỉ cho quả ngon ngọt, giòn khi trồng ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển.

Hiện nay, mận đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm Mận Tả Van Si Ma Cai quý, được nhiều người ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và khách du lịch săn tìm. Năm 2021, sản phẩm Mận Tả van Si Ma Cai của HTX Mản Thẩn đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai.

Để cây phát triển tốt và có đủ chất dinh dưỡng thì hằng năm các vườn cây ăn quả sẽ được bón phân ít nhất 2 lần/vụ. Trước khi bón phân sẽ cuốc một rãnh chạy xung quanh gốc cây để tiện cho việc bón và lấp đất. Phân chuồng (phân trâu, bò, gà) được ủ ít nhất từ 3 tháng trở lên mới đem ra bón cây. Lượng phân bón cho mỗi gốc cây (6 tuổi) là khoảng 30kg tương đương với một thồ (gùi). Sau khi bón phân vào rãnh xong sẽ cào đất và lấp kín rãnh (không để hở phân) để phân không bị trôi theo nước mưa cũng như rễ cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.

Mận Tả Van đã và đang mai lại hiệu quả kép là phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cho người dân Si Ma Cai. Huyện đang khuyến khích hộ gia đình khai thác tiềm năng, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm hái mận, chụp ảnh hoa mận… Hiện nay, các chủ vườn mận tại Si Ma Cai thu phí tham quan với mức giá 20.000 - 30.000 đồng/người và không giới hạn thời gian. Thời gian phù hợp nhất trong ngày để ghé thăm các vườn mận là vào buổi sáng từ 9h hoặc chiều sớm.

Đây cũng sẽ là thế mạnh vừa là hướng đi mới, tạo đột phá về cách làm cũng như để người dân tận dụng được những lợi thế sẵn có, từ đó thoát nghèo trên chính quê hương của mình.

Hiện nay, Si Ma Cai đang có hơn 492 ha mận Tả Van, trong đó có trên 280 ha đã cho quả. Các giải pháp tích cực đang được huyện triển khai để vùng mận Tả Van phát triển bền vững, cho năng suất, sản lượng và giá trị cao, khẳng định vị thế là cây trồng phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương